Những tháng cuối năm giao mùa, thời tiết lạnh, hanh khô là thời điểm lí tưởng để các tác nhân gây bệnh hô hấp bùng phát và lây lan mạnh mẽ. Hiện miền Bắc bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là lứa tuổi học sinh và trẻ nhỏ.
Nhiều nơi quá tải
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc cúm A. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng được chỉ định nhập viện. Đang điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhân M.H (24 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng viêm phổi sau 2 tuần điều trị cúm A tại bệnh viện tỉnh. Hiện trẻ vẫn sốt cao, ho nhiều. Xét nghiệm còn cho kết quả bội nhiễm cả vi khuẩn phế cầu. Người nhà bé M.H cho biết, bệnh nhi bị lây cúm A từ mẹ vì trước đó mẹ bé xét nghiệm cho kết quả mắc cúm A.
Một trường hợp khác là bé 10 tháng tuổi nhiễm cúm trong khi cơ thể có sẵn bệnh lí nền bẩm sinh khiến bệnh càng tăng nặng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Bác sĩ điều trị cho biết, phần lớn trẻ đang điều trị cúm tại đây bị biến chứng viêm phổi, phải thở ôxy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
“Cúm có thể gây ra tổn thương viêm phổi nặng, hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn khác làm nặng thêm tình trạng của cúm. Ngoài ra còn có bệnh nhân viêm màng não”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết.
Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội) gần 1 tháng qua tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, RSV. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi cho hay, thời gian gần đây, trẻ mắc cúm A có xu hướng gia tăng, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Bên cạnh đó, số trẻ mắc virus RSV đang gia tăng.
Các phòng khám tư cũng rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp đến khám, trong đó bệnh nhân cúm A chiếm phần lớn. Phòng khám Dr T. ở khu chung cư Linh Đàm những ngày qua luôn đông bệnh nhân đến khám. Bác sĩ cho biết, mỗi ngày xét nghiệm nhanh tại đây cho thấy có 20-30 trường hợp cả người lớn lẫn trẻ em nhiễm cúm A. Bệnh nhân N.Đ.M, 16 tuổi (trường THPT Kim Liên) đến khám vì sốt 39 độ, toàn thân đau mỏi, hai hốc mắt nhức buốt. Kết quả test nhanh tại phòng khám cho thấy M. mắc cúm A và được bác sĩ dặn dò về cách li cẩn thận vì virus này lây lan rất nhanh dù độc lực không mạnh.
Tại nhiều trường học ở Hà Nội trong gần 3 tuần qua có nhiều học sinh, kể cả học sinh phổ thông trung học phải nghỉ học. Thậm chí có lớp vắng đến hơn chục học sinh. Nhiều em sau khi khỏi cúm A bắt đầu bị bội nhiễm dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Bác sĩ lí giải, do khi mắc cúm A sức đề kháng của cơ thể yếu đi, cộng với môi trường Hà Nội ô nhiễm nặng nên cơ thể dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nặng
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) thông tin, những ngày miền Bắc có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều. Dấu hiệu cảnh báo lúc đầu của cúm là sốt, nhức đầu, đau người, chảy nước mũi, ho, hắt hơi…
Các bác sĩ nhận định, dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm 2022, nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Bác sĩ Hải khuyến cáo, khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật… cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
Cúm A là bệnh lí nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính lưu hành khi thời tiết thay đổi gây ra bởi các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9. Trong đó, hai chủng virus cúm A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng cao lây nhiễm sang người và tạo thành dịch thậm chí đại dịch. Thông thường, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2 – 7 ngày. Tuy nhiên đối với những đối tượng nhạy cảm có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và tử vong.
“Biến chứng nặng nhất của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, đờm lẫn máu, khó thở,… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu ôxy dẫn đến tử vong. Do đó việc chăm sóc tại nhà và thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng rất quan trọng. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nặng lên, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định và lên kế hoạch điều trị phù hợp”, TS Đỗ Thiện Hải nói thêm.
Trước tình hình dịch cúm A đang lây lan mạnh, chủ yếu ở lứa tuổi học trò, TS. Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, các bậc phụ huynh và giáo viên cần phát hiện sớm bệnh cúm A ở trẻ để cách li, phòng tránh lây lan trong môi trường học đường.