Thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội và một số tỉnh, TP có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khoảng 2 tuần qua, tại các bệnh viện ghi nhận nhiều người bị đau mắt đỏ, trong đó, có nhiều bệnh nhi. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng biến chứng nặng.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu không chủ động các biện pháp phòng tránh, bệnh dễ có nguy cơ lây lan thành dịch.
Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ, nhiều ca biến chứng nặng
Theo ghi nhận của Báo Kinh tế & Đô thị, tại một số bệnh viện chuyên khoa, số bệnh nhi đến khám vì đau mắt đỏ gia tăng. Đây là thời điểm bắt đầu năm học mới, trẻ trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, tăng khả năng tiếp xúc gần làm dịch bệnh lây lan mạnh.
Thống kê tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho thấy, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 200 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ. Đặc biệt, mùa dịch năm nay, tỉ lệ số ca biến chứng vào giác mạc tăng đột biến. Số ca gặp biến chứng nặng, chuyển Bệnh viện mắt Trung ương từ đầu mùa dịch từ 5-7 ca.
Một tuần nay, con trai 5 tuổi chị Hải (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải nghỉ học do đau mắt đỏ. Sau một tuần, con trai lớn đỡ thì bệnh đau mắt đỏ lại chuyển sang con trai thứ 2. Chị Hải cho biết, nhiều bạn trong lớp của con cũng phải nghỉ học do bị đau mắt đỏ. Theo chị Hải, hiện đang là thời điểm dịch đau mắt đỏ nên các bạn có thể bị lây nhiễm chéo từ đồ chơi, đồ dùng ở lớp Mầm non.
Tương tự, con gái tròn 3 tuổi, chị Huyền (quận Nam Từ Liêm) mới bắt đầu cho con đi học mẫu giáo nhưng vừa đi học được 1 tuần, chị phát hiện mắt con bị đỏ và hơi sưng. Đưa con đi khám, bác sĩ kết luận con bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp).
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trẻ đến khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 vì đau mắt đỏ trong thời gian qua. Đáng nói, nhiều người mắc đau mắt đỏ ngại đến bệnh viện, tự xin đơn thuốc điều trị khiến bệnh trở nặng, thậm chí nguy cơ mù lòa.
Đơn cử như trường hợp chị Chi (quận Tây Hồ), thấy con gái 4 tuổi bị đau mắt đỏ, gọi điện cầu cứu bạn thân xin đơn thuốc vì trước đó con của người bạn này cũng nhiễm bệnh. Đơn thuốc ghi một loại thuốc kháng sinh và một loại nước mắt nhân tạo, kèm hướng dẫn cách chăm sóc.
Chị Chi chia sẻ, thấy mắt con hơi đỏ, nghĩ con chớm bệnh nên chưa muốn đưa đi khám. Nếu vào bệnh viện thời điểm này, chỗ nào cũng đông bệnh nhân, trước mắt mẹ tự nhỏ thuốc cho con, nếu không đỡ mới đi viện.
3 ngày sau, bệnh của con ngày càng nặng, chị cho con nhập viện trong tình trạng hai mắt trẻ sưng vù, đau nhức. Bác sĩ kết luận võng mạc bệnh nhi bị trầy xước – một biến chứng của đau mắt đỏ, nếu không chữa trị kịp thời nguy cơ giảm thị lực.
Còn con trai 7 tuổi của chị Lan Anh (quận Cầu Giấy) bị đau mắt đỏ lần thứ 2 trong mùa dịch năm nay. 2 tháng trước, chị ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc nhỏ mắt cho con, sau vài ngày thì khỏi. Lần tái mắc này, chị cũng dùng đơn thuốc cũ nhưng không có tác dụng, mắt trẻ vẫn đỏ ngầu.
Đến ngày thứ 3, mắt con bị đỏ, sưng hơn. Lo lắng, chị liền đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận bé bị viêm kết mạc nặng, có giả mạc, không bóc giả mạc thì thuốc ngấm được.
Bác sĩ Mai Thị Anh Thư – Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, dịch viêm kết mạc cấp do virus (đau mắt đỏ) năm nay diễn biến phức tạp hơn hẳn mọi năm, với số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt rất đông.
Trong đó, nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi và bệnh đã chuyển biến nặng. Đặc biệt, trong môi trường có sự tiếp xúc gần như công sở, trường học thì tỷ lệ này tăng cao đột biến.
Thống kê sơ bộ tuần đầu tháng 9 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trung bình mỗi ngày có từ 30% – 40% bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện mắc viêm kết mạc cấp. Trong đó, khoảng gần 30% là trẻ em dưới 5 tuổi. Đây cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới, trẻ trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, tăng khả năng tiếp xúc gần làm dịch bệnh lây lan mạnh.
Theo bác sĩ Anh Thư, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nguy cơ bị viêm kết mạc cấp là rất hay gặp và dễ lây thành dịch. Lý do là vì trẻ chưa có kỹ năng trong phòng bệnh, sức đề kháng yếu, khó khăn trong việc vệ sinh mắt và tra nhỏ thuốc…
“Trẻ trở nặng xuất phát một phần từ tâm lý chủ quan của phụ huynh, như không đi khám ngay khi con đau mắt, tự xin đơn thuốc hoặc ra nhà thuốc xin tư vấn của người bán” – bác sĩ cảnh báo.
Bệnh đau mắt đỏ có thời gian ủ bệnh 5-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Tùy vào mức độ của bệnh, nguyên nhân cũng như khả năng đáp ứng với thuốc mà quá trình điều trị có thể từ vài ngày đến vài tuần. Nhiều trường hợp nhập viện thời điểm này bị nặng, có tình trạng giả mạc do virus adenovirus gây ra.
Biến chứng khôn lường
Tại Bệnh viện Mắt trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 800 ca bệnh, trong đó có một số ca biến chứng.
So với tháng 6/2023, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9/2023 tăng gấp gần 2 lần. Trong đó có nhiều trẻ đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Trẻ đau một bên, rồi hai bên mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày, Khoa Mắt, tiếp nhận 40 – 50 trẻ có biểu hiện của viêm kết mạc cấp, trong đó 80% là do Adenovirus. Ở trẻ em, bệnh đau mắt đỏ có thêm biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng.
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh – Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số ca đau mắt đỏ tăng đột biến khoảng 1 tháng trở lại đây chủ yếu ở trẻ trong độ tuổi mầm non (dưới 5 tuổi). Có gia đình 4 – 5 người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường rồi về nhà lây cho người thân.
Theo bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như: Virus herpes, thủy đậu, poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Lê Xuân Cung – Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo, bệnh đau mắt đỏ có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc và thường xảy ra ở người có sức khoẻ yếu, người già, trẻ nhỏ.
Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp Viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).
PGS.TS Lê Xuân Cung cảnh báo, viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.
“Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp đặc biệt là trường hợp bệnh nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt. Cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng theo hẹn hoặc đưa trẻ đến khám lại ngay khi có diễn biến bất thường” – PGS.TS Lê Xuân Cung khuyến cáo.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.